Original article in English available here
Translated by Nguyen Quynh Trang
Cuộc trò chuyện của chúng tôi tại văn phòng Shopee Việt Nam chỉ mới bắt đầu hai mươi giây trước và sự trang trọng, e dè ngắn ngủi ban đầu đã dần biến mất. Bản chất tình bạn chân thành giữa Quỳnh, Nicolette và Tài nhanh chóng bộc lộ – tình bạn được thể hiện qua những lời trêu chọc và đùa giỡn thân thiện.
Tuy nhiên, thẳng thắn như chính tính cách của bộ ba này, cuộc trò chuyện giữa họ không chỉ có những tiếng cười mà còn xen lẫn những nỗi buồn. Khi chúng tôi đề cập đến kết quả của Ngày Thế giới phòng chống AIDS (ngày 1 tháng 12), trải nghiệm của họ khi làm việc với các em nhỏ tại trung tâm HIV/AIDS với tư cách là tình nguyện viên của dự án SUGAR được tái hiện một cách rõ ràng hơn bao giờ hết. Hãy đọc thêm về câu chuyện thương tâm nhất mà tôi đã nghe và viết từ khi trở thành phóng viên nội bộ của Shopee cho đến nay.
Đôi điều về Trung tâm HIV/AIDS Mai Hoa và Dự án SUGAR
Khi nghe đến việc tôi chưa từng tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS (ít nhất với sự hiểu biết của bản thân), Quỳnh bắt đầu với mô tả cơ bản nhưng thể hiện một sự thật vô cùng chuẩn xác, “Họ cũng giống như mình và bạn – ngoại trừ họ không khỏe mạnh như chúng ta, và ít được chấp nhận bởi số đông của xã hội. Họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có thể sống bình thường giữa chúng ta mà không bị đối xử như những người ở tầng lớp thấp. Đáng buồn thay, xã hội Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn chưa sẵn sàng để chấp nhận họ”.
Bước vào Trung tâm HIV/AIDS Mai Hoa. Trung tâm này, nơi cư trú của bệnh nhân nhiễm HIV trưởng thành từ năm 2001, có một không gian dành cho trẻ em – con cái của chính những bệnh nhân trưởng thành nơi đây. Trung tâm này thường làm việc với những tổ chức tình nguyện như Dự án SUGAR mà Quỳnh, Nicolette và Tài tham gia để tổ chức những chương trình liên quan đến phúc lợi chung của trẻ em.
“Trung tâm Mai Hoa là một góc thiên đường cho những đứa trẻ nơi đây. Các em bị hành hạ bởi những triệu chứng phổ biến của AIDS như những cơn sốt tiêu chảy, mệt mỏi dữ dội và chậm phát triển; nhiều trường hợp trong số các em bị từ chối bởi người thân gần gũi nhất, và những cánh cửa đóng lại trước mặt. Tuy nhiên, như chúng mình tận mắt chứng kiến tại trung tâm này, những vết thương về thể chất và tinh thần đó dường như không thể tàn phá những đứa trẻ này, cũng bởi sự chấp nhận hoàn toàn của nhân viên chăm sóc tại trung tâm cũng như những người khác. Tình nguyện viên của Dự án SUGAR thể hiện tình yêu thương với các em bằng việc dành thời gian và tiếp xúc thân thể – để các em biết tình cảm của bọn mình và sẵn sàng mở cửa trái tim của các em. Với sự hiện diện của bọn mình, các em có một nơi để thuộc về, ngay cả khi các em không thuộc về ai cả”.
Nỗi sợ hãi kiểm soát khi thiếu vắng giáo dục
Ngạc nhiên về việc Quỳnh đưa ra vấn đề liên quan đến tiếp xúc thân thể và bản thân tôi không nhìn ra được mối liên kết, tôi đã tìm hiểu kỹ hơn. Hóa ra, nhiều người tránh xa người nhiễm HIV/AIDS bởi căn bệnh “có thể lây qua tiếp xúc ngoài da” – hoặc ít nhất, đó là điều mà họ tin là đúng.
Tài dập tắt quan niệm sai lầm này ngay lập tức, và đề cao sự cấp thiết của việc nâng cao hiệu quả giáo dục HIV, “Trong mọi thế hệ, giới trẻ được định hình bởi những câu chuyện xã hội – đó là cách mà những giá trị, niềm tin và tư tưởng được truyền từ năm này qua năm khác. Thật không may, không phải tất cả mọi quan điểm của xã hội đều chính xác về mặt thực tế. HIV/AIDS không thể lây truyền bằng tiếp xúc ngoài da mà không bao gồm quan hệ tình dục hoặc vết thương hở. Bạn thực sự có thể ôm, nắm tay và chia sẻ muỗng đũa với một bệnh nhân dương tính với HIV và vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Trong trường hợp xảy ra tai nạn liên quan đến cả người dương tính và âm tính với HIV, người âm tính với HIV thậm chí còn có những giải pháp y tế trong vòng 24 giờ đầu tiên để ngăn chặn sự truyền nhiễm của tế bào HIV”.
“Là một giống loài, chúng ta thường từ chối những điều không quen thuộc và tẩy chay những người khác với chúng ta. Chúng ta vui mừng chấp nhận những lời khen ngợi và gắn những thuộc tính tốt cho bản thân, nhưng chúng ta cũng nhanh chóng nhận định những đặc điểm thiểu số là bất thường và thậm chí vô nhân hóa những người mang những đặc điểm này. Mình không khuyến khích những hành vi vô trách nhiệm và đặt bản thân vào nguy cơ nhiễm HIV/AIDS; tuy nhiên, mình hoàn toàn chấp nhận những người nhiễm HIV bởi chính con người họ và cách họ vượt lên trong cuộc sống – đơn giản họ cũng là con người”.
Thật vậy, những người mang trong mình HIV/AIDS cũng là con người. Họ có tham vọng, trí tưởng tượng, cảm xúc và mong muốn sự gần gũi – giống như cách mà tất cả con người được tạo nên. Vậy nên, khi chúng ta đẩy họ ra khỏi cuộc sống, chúng ta đóng lại góc sáng nhất của trái tim họ. Thay vì đó chúng ta có thể giúp họ tỏa sáng hơn nữa không?
“Sida”: Khi ngôn từ lấy đi niềm hy vọng và biến cuộc sống trở thành cái chết
Với sự thiếu hiểu biết dẫn đến phân biệt đối xử, và đó là gánh nặng mà những đứa trẻ tại Trung tâm Mai Hoa phải chịu đựng. Hơn bất cứ điều gì, chúng mong muốn được chấp nhận, được thuộc về một nơi nào đó và được đối xử bình thường. Tuy nhiên, những giấc mơ giản đơn như vậy của các em vẫn liên tục bị lấy đi và bỏ mặc trên nền đất bụi bẩn của những vỉa hè lát gạch lồi lõm.
“Mình đã từng chứng kiến một người phụ nữ kéo con của chị tránh xa một em bé tại trung tâm. Tất cả những gì em bé đó làm là đưa một món đồ chơi cho con của người phụ nữ ấy. Vâng, người mẹ đã lôi kéo con của mình đi và nói với con rằng “đừng bao giờ chơi với những thứ bẩn thỉu như vậy”. Mình nhìn em bé quay trở lại trung tâm với bờ vai rũ xuống và cái đầu trĩu nặng. Nếu chỉ chứng kiến thôi cũng đủ làm mình đau đớn, mình không thể nào tưởng tượng được nỗi đau mà em bé đó phải chịu đựng”, Nicolette nhớ lại. Trong đầu tràn ngập suy nghĩ, tôi nhìn đường phố của Việt Nam qua đôi vai của cô ấy. Tôi quay lại tiếp tục câu chuyện với Nicolette, vừa đúng nghe được âm thanh yếu ớt của một tiếng thở dài nặng nề.
“Chị đã từng nghe đến từ “sida” chưa?”, qua ánh mắt của Nicolette có thể thấy rõ sự bất công đang nhảy múa ở trong đó. Tôi trầm ngâm lắc đầu. Hiểu được mong muốn được giải thích rõ ràng của tôi, cô ấy nhấn mạnh vào một số từ đồng nghĩa, “Nó có nghĩa là rác thải, đồ đã qua sử dụng, không được mong muốn. Đó là từ viết tắt bằng tiếng Pháp cho AIDS, nhưng người Việt Nam sử dụng để mô tả những người nhiễm HIV/AIDS, ngụ ý rằng họ là những người “không được mong muốn”. Những từ phản xã hội như vậy khá phổ biến trên đường phố, tại nhà, thậm chí trên những phương tiện truyền thông. Những đứa trẻ tại trung tâm không lựa chọn được sinh ra và mang trong mình HIV – tại sao chúng ta không thể cho các em một tia hy vọng?”
Cảm hứng tình yêu ở những nơi đen tối nhất
Lúc này đây, tôi tự hỏi liệu tinh thần của những đứa trẻ này có bị đánh vỡ như cơ thể của chúng hay không, và trải nghiệm được gần gũi với tâm điểm của một câu chuyện xã hội thương tâm như vậy có thay đổi quan điểm cuộc sống của bộ ba này hay không.
“Mặc dù những đứa trẻ là trung tâm của sự chế nhạo, bắt nạt không ngừng và những từ ngữ tiêu cực, chúng ta không thể phủ nhận sự trong sáng của các em”, Quỳnh thêm vào. “Khi tình nguyện viên của dự án SUGAR dạy các em đọc và viết tiếng Anh, bọn trẻ nhanh chóng học được và bắt đầu viết thư cho bọn mình để bày tỏ tình cảm của các em. Những đứa trẻ có khả năng cho đi rất nhiều tình cảm, và tất cả những gì xã hội biết là lấy đi tình yêu từ các em. Điều này làm tan vỡ nơi tận cùng trái tim của chúng ta”.
“Hơn nữa, chúng ta phải hy vọng rằng xã hội của chúng ta một ngày nào đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn cho mọi người – người giàu, người nghèo, người khỏe mạnh, người ốm đau. Những người tiên phong của ngày hôm qua phải sẵn sàng từ bỏ sự kiểm soát của họ với những câu chuyện của ngày hôm nay, và những người tiên phong của ngày mai phải chiến đấu cho nền giáo dục, sự chấp nhận và một cuộc trò chuyện. Căm ghét căn bệnh, nhưng vị tha với những người mang chúng – yêu những đứa trẻ không dựa vào những gì bố mẹ của chúng đã làm, mà dựa vào tương lai chúng sẽ trở thành. Chúng ta có thể đạt được điều đó, và chúng ta có thể bắt đầu ngay bây giờ.”
Trung tâm HIV/AIDS Mai Hoa được quản lý bởi The Daughters of Charity of St Vincent de Paul. Với mục đích liên quan đến giáo dục, dự phòng và trợ giúp, vui lòng liên hệ trung tâm qua (848) 8926135.
Dự án SUGAR được điều hành bởi một nhóm tình nguyện viên. Để tham gia vào hoạt động của họ hoặc trở thành một phần của cộng đồng từ thiện, vui lòng liên hệ nhóm tình nguyện viên qua trang Facebook của họ.
Hãy tìm đồng nghiệp có chung mối quan tâm tại Shopee. Chúng tôi hiện đang có những vị trí công việc đang chờ bạn – trở thành một thành viên của Shopee và một tình nguyện viên cống hiến cho nhiều mục đích khác nhau.